
LỄ KỲ YÊN CHỢ LONG THỌ
Lễ cúng Kỳ Yên, Lễ cúng Cầu An và Mần chay chợ là tên gọi của Lễ cúng không biết có từ khi nào, các Vị Lão Bối trong Làng cũng không nhớ rõ.
Lễ Cúng vẫn duy trì hàng năm, đến năm 1968, Chợ Phước Long được xây dựng mới và kiên cố hơn tại Ấp 1, xã Long Thọ và cũng từ đó Lễ cúng được duy trì. Màu sắc Lễ cúng được các Vị Chức Sắc, Ban Tế Tự và Nhân Dân tại chợ Ấp 1 tổ chức nghiêm trang đầy vẻ mỹ quan trong ngày tổ chức Lễ cúng.
Khách tham dự cũng có người từ địa phương khác đến như: Long Thành, Phước Thiền, Phước Kiển, Phước lai, Bà Ký và Bà Con ở hai bên khu phố chợ cũng tổ chức cúng Thí và xem như ngày Lễ hội lớn của địa phương Long Thọ. Trong ngày và đêm tổ chức Lễ cúng đã thu hút hàng ngàn lượt người đến tham dự và chiêm ngưỡng việc cúng thí lạ mắt của người Dân chợ Long Thọ.
Hiện nay, tại thị trấn Tầm Vu, Châu Thành, Long An cũng có Lễ hội làm chay được tổ chức vào thời điểm trung tuần tháng Giêng âm lịch, diễn ra từ 14-16/1 âm lịch có nhiều đặc điểm giống Lễ cúng cầu an Chợ Long thọ.
Tôn trọng tập quán cổ truyền của nhân dân địa phương, Công ty TNHH TMXD Hoàng Tuấn Hưng đã thể hiện đầy đủ trách nhiệm, tạo mọi điều kiện liên hệ Chính quyền Sở tại, các Vị Chức Sắc trong làng, Ban Tế Tự và những người tâm huyết với Lễ Cúng, thành lập Ban tổ chức Lễ Cúng như trước đây và tổ chức Lễ Cúng đúng ngày giờ và đầy đủ nghi thức mà Lễ Hội đã có.
Lễ Cúng Cầu An, mang màu sắc Dân gian, tập quán cổ truyền thể hiện đầy đủ tính đậm đà bản sắc Dân tộc. Lễ Cúng tạo cho mọi người có thời gian nhất định hướng về tâm linh và là nơi cho mọi người hướng thiện. Bà con tiểu thương xa, gần, những người con quê hương Long Thọ vì cuộc sống mưu sinh đi xa quê làm ăn cũng đợi đến ngày Lễ Cúng quay về xum hợp. Ai đến Lễ hội cũng hướng về một ý nghĩa “Cầu cho Mưa Thuận Gió Hòa – Quốc Thái Dân An, Người Người, Nhà Nhà đều được Dồi dào sức khỏe, Người kinh doanh đắt khách, Người mua sắm luôn gặp may mắn, Chợ luôn sung túc người mua và người bán”.
Kinh phí Lễ hội hoàn toàn tự nguyện, Người có góp nhiều, Người khó góp ít, Người góp bằng tiền, Người góp bằng Lễ vật. Lễ hội được công khai hóa danh sách Người đóng góp trước và sau Lễ. Việc chuyển quà cúng cho người thiếu may mắn, người nghèo khó được thực hiện nghiêm túc và tận tay đúng người.
Lễ hội cúng chợ bắt đầu vào ngày 28 âm lịch vào thời điểm này nhân trong xã cùng nhau tập trung về chợ trang trí bàn thờ tổ quốc, ảnh Bác Hồ, mâm ngũ quả và ở phía trước bàn thờ tổ quốc có một bàn thờ,
14h giờ ngày 28, Ban khánh tiết, các kỳ lão và cùng các phu kiệu trong trang phục chỉnh tề và đông đảo nhân dân và dàn nhạc lễ tiến hành nghi thức Thỉnh Tiêu Diện đại sĩ về để nhân dân chiêm bái. Đây là một trong những nghi thức quan trọng nhất của lễ hội bởi ý nghĩa biểu tượng hóa thân Phật pháp thưởng thiện diệt ác, cai quản ma quỉ, bao dung cô hồn và bảo vệ cộng đồng làng xã của ông Tiêu.
Ông Tiêu – Tiêu Diện Đại Sĩ còn được gọi là Ông Ác – thường được thờ trong nhiều ngôi chùa ở Việt nam. Hình tượng Tiêu Diện Đại Sĩ được thể hiện là một hình tướng nam, dáng điệu oai nghiêm, mặc trang phục võ tướng, tay phải cầm lá cờ, tay trái chống nạnh, gương mặt quái dị với 3 cái sừng nhọn trên đầu và trán, hai mắt lồi to trợn ngược, cái miệng rộng nhe răng lởm chởm, khạc ra lửa khói, đặc biệt nhất là chiếc lưỡi thè cong dài xuống tới ngực. Chiếc lưỡi là biểu tượng uy quyền, đặc trưng nhất của ông Tiêu.
Tương truyền, Tiêu Diện Đại Sĩ là hóa thân của Bồ tát Quan thế âm để chuyên hàng phục quỷ yêu và cứu độ chúng sinh. Bà con trong vùng nói rằng nếu ai có được một phần lưỡi của ông đem về đốt cho trẻ nhỏ uống sẽ tránh được nhiều bệnh tật.
Trong chùa, tượng Tiêu Diện Đại Sĩ thường được thờ bên trái chính điện, còn tượng Vi Đà Hộ Pháp -thường được gọi là Ông Thiện- được thờ bên phải chính điện
Đến 16 giờ là nghi thức Thầy và các phật tử cầu siêu.
Để chuẩn bị cho nghi thức bái lễ vào buổi tối thì có “Học trò lễ” thực hiện nghi thức cúng lễ và sau nghi thức cúng lễ là buổi văn nghệ do nghệ sĩ ở địa phương biểu diễn cùng đoàn cải lương Đồng Nai không quản đường xá xa xôi, mưa gió đến góp vui.
Sáng ngày 29-7 âm lịch, bà con trong xã bắt đầu mang lễ vật dâng lên cúng lễ.
Những lễ vật để thực hiện nghi thức cúng tế Thần và cô hồn, chiến sĩ trận vong, như: đầu heo luộc, thịt, xôi, trà, rượu, bánh ít, bánh tét không nhân, trái cây, trầu cau… Nói chung, là những lễ vật có nguồn gốc nông nghiệp mà địa phương sản xuất, nhưng được chọn loại ngon nhất để dâng cúng. Bánh trái, hoa quả thì mùa nào thức ấy, tùy lòng hảo tâm, có thể dâng cúng bất kỳ loại hoa quả, bánh trái nào mà không cần kiêng kỵ.
Điều đặc biệt của lễ hội cúng chợ là nét đẹp văn hóa của những cổ bánh, cổ bánh được nhân dân làm bằng trúc có hình nón lá cao khoảng một mét đến hai mét và trược trang trí trên đó gồm bánh kẹo, mì gói, tiền…có nhà không làm cổ bánh mà làm cây xoài trên đó người ta treo những quả trứng vịt đã luộc chín và nhuộm đủ thứ màu sắc nhìn rất đẹp mắt và có nhà lại làm những thẻ gạo để bố thí, nhà nào có cổ bánh phải liên hệ trước với ban tổ chức vào trước ngày 28 và sáng ngày 29 sẽ có tổ nghi thức đến nhà rước lễ và thỉnh cổ bánh.
Đến 12 giờ ngày 29 thì sẽ tổ chức lễ rước cô hồn, Lễ chiêu u được tiến hành nhằm thỉnh vong linh, cô hồn các nơi về giàn ông Tiêu theo nghi thức bằng kèn, trống, chiêng. Người xưa kể rằng, trong cái thế giới bóng tối dày đặc của ma quỷ, ông Tiêu xuất hiện với gương mặt hung dữ, dễ sợ để xua đuổi ma quỷ, ma quỷ tránh né ông bằng cách chạy về phía có ánh sáng, nơi đó ma quỷ sẽ được cứu vớt ra khỏi ác đạo.
Đến khoảng 15 giờ ngày 29 thì sẽ làm lễ bế lễ và tổ chức xô giàn tức là xô những cổ bánh xuống phía bên dưới sân khấu để tất cả mọi người sẽ cùng nhau giật lấy nếu người nào giật được nhiều bánh kẹo, tiền bạc, hoặc thẻ gạo coi như mình là người may mắn.
Già trẻ lớn bé đều có thể tham gia xô giàn. Ai nhanh chân thì chụp được cái lưỡi Ông Tiêu (được cho là may mắn nhất), vì theo quan niệm của người dân nơi đây, ai tranh được lưỡi Ông Tiêu thì sẽ được may mắn và phát tài cả năm.
Lễ hội khép lại đã để lại trong mỗi người chúng ta những ai đã tham gia lễ hội những hồi ức không thể nào quên, Có thể thấy lễ hội đình làng, lễ hội cúng chợ… thật sự đem lại những giá trị văn hóa tinh thần hết sức to lớn, do đó mỗi người chúng ta phải ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc việc duy trì và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội cúng đình làng, cúng chợ… ở địa phương là rất quan trọng nó góp phần làm giàu bản sắc văn hóa của quê hương, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc
Nhân Lễ hội này, Ban tổ chức Lễ Cúng Cầu An chợ Long Thọ cùng Công ty Hoàng Tuấn Hưng xin chân thành gởi lời tri ân đến Chính Quyền, Mặt Trận và các Đoàn thể xã, Ban Ấp tạo mọi điều kiện về tinh thần và cho phép Lễ Hội được tổ chức đúng theo nghi thức Cổ truyền.
Xin chân thành cảm ơn quý khách Quan chức là Nhân dân Long Thọ đang thực thi nhiệm vụ trên địa bàn Tỉnh và ngoài Tỉnh, các Vị Quan chức cấp Huyện và các ngành chuyên môn đã ưu ái dành thời gian quý báu về tham dự Lễ Hội này.
Chân thành cảm ơn Ban Tế Tự, Quý vị Phật tử, Học trò lễ và các Vị Cao niên đã tham dự Lễ Hội đầy tâm huyết.
Chân thành cảm ơn Quý khách, các Doanh nghiệp, Bà con nhà phố chợ, hộ Tiểu thương kinh doanh trong chợ, các hộ kinh doanh trong xã và Nhân dân địa phương đã hỗ trợ Ban tổ chức Lễ Hội về kinh phí và lễ vật, góp phần cho Lễ Hội thành công rực rỡ.
Xin cảm ơn các bộ phận phục vụ, Tổ chức, Tiếp tân, Hậu cần đã giúp Lễ Hội thành công trong điều kiện địa điểm tổ chức khó khăn nhất.
Lễ Hội sẽ được duy trì hàng năm, sẽ tổ chức phong phú hơn. Kính mong được sự đóng góp ý kiến chân tình từ Quý khách. Ban tổ chức sẽ thường xuyên rút kinh nghiệm để Quý khách, Tiểu thương và Bà con trong xã ngày càng hài lòng hơn kể cả phần Lễ và phần Hội